BỆNH ẤU TRÙNG THỦY TINH (Glass post-larvae disease – GPD) TRÊN TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

22/01/2024

Bệnh ấu trùng thủy tinh là gì?

Bệnh ấu trùng thuỷ tinh trên tôm (Glass post-larvae disease – GPD) hay bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (Translucent Post-larva disease – TPD) là một bệnh mới xuất hiện ở tôm nuôi, được phát hiện lần đầu tiên ở các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc vào khoảng từ tháng 3/2020 (Harkell L, 2020 và Zou Y et al, 2020).

Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn tôm giống (đặc biệt giai đoạn PL4-PL7), có tỷ lệ nhiễm trên 60%, gây tỷ lệ chết (90 – 100% chỉ sau 1 ngày phát hiện dấu hiện bất thường).

Dấu hiệu của bệnh?

Có các dấu hiệu gan tụy và đường tiêu hóa của tôm hậu ấu trùng nhợt nhạt và không màu, đường ruột trống rỗng, cơ thể tôm trong suốt hoặc mờ đục. Số lượng lớn các cá thể tôm bị chìm xuống đáy bể nuôi do bệnh gây ra sự giảm sút khả năng bơi lội. Các biểu hiện này gần giống như biểu hiện của bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Nguyên nhân gây bệnh?

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (Vp-JS20200428004-2) được xác định là tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, loài Vibrio parahaemolyticus khác so với Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp đã được công bố trước đây. (Zou Y et al, 2020). Kết quả gây bệnh thực nghiệm bằng phương pháp ngâm với liều 1,83 x 106 CFU/mL cho tỷ lệ chết 100% sau 40 giờ gây nhiễm, tôm thí nghiệm có các dấu hiệu bệnh giống như được mô tả ban đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu này không cung cấp được chỉ thị DNA hoặc quy trình PCR để xác định Vibrio parahaemolyticus nên hiện chưa có thông tin sử dụng PCR để phát hiện bệnh này.

Ailan Xu và các cộng sự gần đây đã báo cáo về bệnh hậu ấu trùng thủy tinh (GPD) trên giống tôm thẻ chân trắng trên Tạp chí Nghiên cứu Virus (2023). Các tác giả mô tả dấu hiệu bệnh lý trên tôm bị bệnh tương tự kết quả nghiên cứu mà Zou Y và cộng sự mô tả năm 2020. Tuy nhiên, theo các tác giả này, tác nhân gây bệnh GPD trong nghiên cứu này không phải do vi khuẩn gây ra mà là một loại virus RNA mới thuộc họ Marnaviridae được tìm thấy trên tôm bị bệnh và tạm đặt tên là Baishivirus (GenBank: ON550424). Họ đã lấy mẫu tôm TPD và sàng lọc các mầm bệnh đã biết, nhưng xét nghiệm PCR chỉ ra rằng tôm TPD không có mầm bệnh AHPND/ EMS và các vi-rút đã biết bao gồm: vi-rút hội chứng đốm trắng (WSSV), vi-rút hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV), SHIV, vi rút đầu vàng (YHV), vi rút hội chứng Taura (TSV) và hoại tử cơ (IMNV). Những kết quả này cho thấy TPD có thể do một mầm bệnh mới nổi gây ra.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu ShrimpVet cuối tháng 8/2023 và đầu tháng 9/2023 tại Việt Nam, đã phân lập được 5 chủng với đặc điểm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus từ mẫu tôm chết đột ngột nghi ngờ do TPD ở trại giống tại Việt Nam (các chủng này kiểm tra PCR âm tính với chủng Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Tran L và cộng sự, 2013; Han và cộng sự, 2015)), cả 5 chủng nghi ngờ gây bệnh TPD đều có độc lực cao hơn so với các chủng Vibrio harveyi (không phát sáng, gây đục cơ), Vibrio parahaemolyticus (không gây EMS/AHPND) và Vibrio parahaemolyticus gây AHPND.

Ảnh từ nghiên cứu FengYang và cộng sự 2021

Các nghiên cứu nêu trên đều báo cáo mức độ mẫn cảm và tử vong cao ở tôm hậu ấu trùng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu (PL4 – PL7). Các mô tả bệnh tương tự nhau, nhưng tác nhân gây bệnh có hai kết quả: Vi khuẩn (Zou Y và cộng sự, 2020; Cục Nghiên cứu ShrimpVet, 2023) và Virus (Ailan Xu và cộng sự, 2023).

There are no item. Please Add Slider Item