CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁ TÔM THU HOẠCH VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

18/05/2023

1. Tình hình giá tôm xuất khẩu hiện nay

  • (vasep.com.vn) Xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 265 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37%.
  • Giá xuất khẩu tôm thẻ tươi đi thị trường Mỹ đầu tháng 5/2023 giảm về mức thấp hơn mức đáy năm 2022 (9/2022). Tình hình nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho hiện tại. Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay giảm 1 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái từ 11,4 USD/kg xuống 10,4 USD/kg
  • Tôm Việt gặp sự cạnh tranh mạnh từ Ecuador và Ấn Độ.
  • Xuất khẩu tôm sang Châu Âu giảm do nền kinh tế khu vực này đang liên tiếp gặp khó khăn do tác động chiến tranh Nga-Ukraine
  • Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), chỉ ra giá thành sản xuất tôm Việt Nam vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thủy sản tăng cao.
  • Xung đột giữa Nga và Ukraine, giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 là nguyên nhân gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá tôm

  • Dư lượng kháng sinh trong tôm: phần lớn người dân sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi nên dư lượng kháng sinh tồn dư khi thu hoạch tôm rất cao (>30%), trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật, Châu Âu,… kiểm soát rất gắt gao về vấn đề này.
  • Hóa chất bảo quản: Bị nhiễm trong quá trình nuôi, chế biến, bảo quản như các chất sát trùng, chất kháng sinh, các hormone (điều khiển giới tính, kích thích tăng trưởng: Clenbuterol & Salbutamol), các chất phụ gia…
  • Màu sắc tôm: hiện thị trường nhập khẩu chú trọng và ưa chuộng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm luộc lên màu đỏ trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm từ các quốc gia khác.
  • Về cỡ tôm: nông dân thường nuôi tôm và chỉ thu khi đạt kích cỡ 30-50 con/kg. Với các thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn, vừa giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm vì nguồn cung không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện tại hầu hết các thị trường đều có nhu cầu mạnh ở những size 50-70 con/kg (nhất là thị trường Châu Âu và Nhật Bản), do vậy nếu nuôi 1 size thì rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm khách hàng
  • Các yếu tố tự nhiên: địa lý khu vực không thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, mùa vụ nuôi thất thường gặp dịch bệnh, mùa vụ tiêu dùng lễ tết, thiên tai lũ lụt gây mất mùa thất thu, thị trường quốc tế biến động.

3. Cách khắc phục giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi

  • Kiểm tra chặt chẽ việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán, những lô tôm xuất bán và lô tôm giống không rõ nguồn gốc, nhiễm kháng sinh, chậm lớn, … Ưu tiên sử dụng những sản phẩm thảo mộc trong quá trình nuôi, hạn chế và sử dụng kháng sinh một cách đúng đắn, không lạm dụng.
  • Màu sắc tôm: một số quốc gia họ sử dụng Astaxanthin trộn vào thức ăn để tăng màu sắc cho tôm, hay quy trình nuôi tôm gây tảo tạo màu sắc xám đen cho tôm nuôi khi thu hoạch.
  • Kích cỡ và tần suất thu hoạch: Nên thu hoạch tôm ở kích cỡ lớn (30-40 con/kg đối với tôm thẻ) cùng với phương thức thu hoạch 2-3 lần (thu tỉa), cụ thể thu tỉa lần 1 ở kích cỡ tôm 80 con/kg 30% tổng sản lượng, tiếp tục thu tỉa lần 2 khi tôm đạt 40 – 45 con/kg 30% tổng sản lượng tôm và thu hoạch lần 3 (cuối cùng). Ưu điểm của phương thức thu hoạch này là tái tạo vòng quay vốn nhanh, hệ thống chuyển đổi thức ăn thấp, tôm tăng trưởng nhanh, ít chịu sức ép về môi trường và chi phí nhân công, chi phí thuốc hóa chất, năng lượng, chi phí thức ăn giảm đáng kể, giá bán cao và ít rủi ro.
  • Lựa chọn thức ăn phù hợp từng giai đoạn, quản lý chặt chẽ thức ăn thừa, FCR thấp giúp tiết kiệm thức ăn và cải thiện được môi trường nước. Lựa chọn tôm giống sạch bệnh bằng kỹ thuật PCR và mô học trước khi thả. Về hóa chất, thuốc trong quá trình nuôi nên ưu tiên mua trực tiếp từ công ty để đảm bảo chất lượng và giá thành tốt. Sử dụng những thiết bị, máy móc tiết kiệm điện năng trong quá trình nuôi giúp giảm được chi phí lao động và điện năng đáng kể.

Như Ý 

There are no item. Please Add Slider Item